Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1226/QĐ-TTg công nhận TP Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024. Đây là sự ghi nhận nỗ lực của Thủ đô sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới

Theo Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 22/6 của Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định về công nhận địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Việc công nhận được thực hiện trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại Tờ trình số 95/TTr-BNNMT ngày 19/6/2025.

Theo đó, Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội có trách nhiệm tổ chức công bố và khen thưởng theo đúng quy định, đồng thời tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí về văn hóa và môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững của nông thôn mới. Quyết định có hiệu lực từ ngày 22/6/2025.

Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP 5 sao nhất cả nước

Theo UBND TP. Hà Nội, triển khai xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010 đến hết năm 2024, tổng nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đạt hơn 183.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là hơn 162.800 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa.

Thành phố đã hoàn thành 8/8 tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện công nhận tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, Hà Nội là địa phương không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình triển khai chương trình. Thành phố luôn chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể hằng năm, cân đối nguồn lực để bảo đảm tiến độ và chất lượng các tiêu chí.

Việc Hà Nội được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là kết quả của quá trình phấn đấu trong suốt hơn 10 năm qua. Với địa bàn rộng lớn và dân số đông, TP Hà Nội luôn là địa phương có nhiều thách thức trong việc phát triển đồng đều giữa khu vực đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, Hà Nội đã chủ động huy động mạnh mẽ các nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp và đặc biệt là sự tham gia tích cực của nhân dân để từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng, chuyển đổi sản xuất, cải thiện chất lượng sống ở khu vực nông thôn.

Người dân được tiếp cận các dịch vụ hiện đại trong không gian sống trong lành, văn hóa cộng đồng được gìn giữ và phát huy.

Nhiều địa phương tiêu biểu như Đông Anh, Thanh Trì, Thường Tín, Gia Lâm, Hoài Đức… đã trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông thôn Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa bền vững.

Theo thông tin từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, giai đoạn 2010 - 2024, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố đạt hơn 183.000 tỷ đồng. Riêng trong giai đoạn 2021 - 2024, con số này đã vượt 86.800 tỷ đồng.

Phát triển nông thôn bền vững gắn với nghề và làng nghề

Nói về quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của Hà Nội, Phó chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Ngọ Văn Ngôn cho biết, Hà Nội không xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu chỉ để "có thêm danh hiệu" mà hướng đến mục tiêu lớn hơn: “Tạo dựng nơi sống lý tưởng cho người dân”. Ở đó, người già được chăm sóc y tế tại chỗ, được tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh, văn nghệ; trẻ em có sân chơi, thư viện, lớp học khang trang; người lao động có cơ hội việc làm tại chỗ thông qua các mô hình sản xuất gắn với OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), du lịch cộng đồng, dịch vụ…

Hà Nội xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trên cả nước

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên xây dựng và triển khai bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu riêng phù hợp với đô thị đặc biệt, gắn nông thôn với phát triển đô thị sinh thái, phát triển vùng ven đô bền vững.

Hà Nội không chỉ làm tốt nhiệm vụ, mà còn tiên phong định hình chuẩn mực mới cho nông thôn Việt Nam trong tương lai: “Hiện đại - văn minh - bền vững”. Đặc biệt, Hà Nội luôn chú trọng yếu tố văn hóa - con người trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Để xây dựng nông thôn mới bền vững đòi hỏi phát triển kinh tế đồng hành cùng quá trình bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa. Vì vậy, các phong trào như toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng gia đình văn hóa; giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn… được triển khai sâu rộng, góp phần nâng cao tinh thần tự quản, đoàn kết và trách nhiệm cộng đồng.

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội cho biết, đến nay, thành phố đã có 109 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu cả giai đoạn 2021-2025. Mặc dù năm 2025, thành phố không đặt thêm chỉ tiêu mới do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, nhưng kết quả này cho thấy năng lực tổ chức, sáng tạo và quyết tâm cao của thành phố.

Hành trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Nội không chỉ là bài toán về đầu tư hạ tầng, mà còn là câu chuyện chuyển biến toàn diện về tư duy, cách làm, lối sống. Mỗi miền quê kiểu mẫu hôm nay đều là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ chính quyền, người dân và cả cộng đồng. Hà Nội đang dần khẳng định "hình mẫu" của cả nước trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu văn minh, giàu bản sắc, thân thiện môi trường và phát triển bền vững.

Với việc được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Hà Nội không chỉ đạt thêm một cột mốc quan trọng trong phát triển nông thôn mà còn tiếp thêm động lực để tiến tới các mục tiêu cao hơn trong giai đoạn 2025 - 2030, góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và cả nước./.

Thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội.

 

 

Nguyễn Bình | 22-06-2025, 15:50

vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC