Nghệ thuật từ những chiếc lông công

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm hành trình nghệ thuật, họa sĩ Dương Xuân Quyền trân trọng giới thiệu đến công chúng triển lãm cá nhân với chủ đề “Những chiếc lông công”, diễn ra từ ngày 13/7 đến 22/7/2025 tại Nhà triển lãm Mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc lông công, một chi tiết nhỏ nhưng ám ảnh, xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của mình. Triển lãm là dịp để họa sĩ nhìn lại chặng đường sáng tác với ba nhóm tác phẩm tiêu biểu: Hoa dọc mùng; Tình yêu đồng giới và Tranh cổ xưa.

“Ba thế giới, một hành trình sáng tạo” Những chiếc lông công của họa sĩ Dương Xuân Quyền, ta thấy đây là một cấu trúc ba phần mang tính chủ đề không chỉ thể hiện sự đa dạng trong cảm hứng sáng tác, mà còn cho thấy chiều sâu tư tưởng, sự kết nối giữa nghệ thuật và trải nghiệm cá nhân của họa sĩ.

Trong triển lãm “Những chiếc lông công”, họa sĩ Dương Xuân Quyền dẫn dắt người xem bước vào ba thế giới hội họa riêng biệt, nhưng được kết nối bằng một mạch cảm xúc xuyên suốt, đó là hình ảnh chiếc lông công. Không ồn ào, không chủ ý gắn vào như một biểu tượng cố định, chiếc lông công xuất hiện như một mảnh hồn khi ẩn khi hiện, tượng trưng cho vẻ đẹp thanh thoát, mềm mại và âm thầm lan tỏa.

 Khai mạc Triển lãm "Những chiếc lông công"
  Triển lãm "Những chiếc lông công" Ảnh:  VNamedia

Hoa dọc mùng; Vẻ đẹp thầm lặng và sức sống bền bỉ

Với loạt tranh “Hoa dọc mùng”, họa sĩ Dương Xuân Quyền tôn vinh những vẻ đẹp thầm lặng, gắn liền với sức sống bền bỉ của những thân phận nhỏ bé trong xã hội. Giống như loài cây dân dã kia mọc nơi ẩm thấp, mềm yếu nhưng kiên cường vươn lên, mỗi nhân vật trong tranh cũng hiện lên với sự mong manh nhưng không hề gục ngã. Chiếc lông công, khi được lồng ghép trong phiến lá, trở thành một lời ngợi ca cho vẻ đẹp rất đỗi bình dị mà phi thường.

Loạt tranh này là một phép ẩn dụ rõ ràng cho những phận người nhỏ bé trong xã hội, những con người sống âm thầm, chịu nhiều khắc nghiệt nhưng vẫn bền bỉ vươn lên như chính cây dọc mùng mọc nơi ẩm thấp. Chiếc lông công xuất hiện như một dấu hiệu của sự tôn vinh, không phải cho cái đẹp lộng lẫy, mà cho cái đẹp âm thầm, giản dị và đầy sức sống. Đây là biểu tượng của lòng cảm thông, sự thấu hiểu và tôn trọng dành cho những gì thường bị bỏ quên hoặc xem nhẹ trong xã hội và chiều sâu nhân văn và xã hội được thể hiện rõ, biến loài cây dân dã thành biểu tượng nghệ thuật có khả năng chất vấn và nâng đỡ con người.

 Không gian Triển lãm "Những chiếc lông công"

Tình yêu đồng giới; Khoảng lặng thân mật và sự thừa nhận cảm xúc

Trong tranh “Tình yêu đồng giới”, họa sĩ Dương Xuân Quyền tiếp tục thể hiện sự trung thực với cảm xúc bằng những ánh nhìn, tư thế, khoảng lặng giữa hai con người đồng điệu. Khi chiêm ngưỡng những tác phẩm này ta thấy, tình yêu không bị phân loại, mà được cảm nhận như một dòng chảy tự nhiên và trong trẻo. Chiếc lông công xuất hiện như một biểu tượng cho tính nữ dịu dàng trong thể xác mạnh mẽ của người đàn ông, một sự giao hòa đầy chất thơ giữa mềm mại và cứng cỏi, giữa bản năng và rung cảm tinh tế.

Tranh Tình yêu đồng giới, họa sĩ Dương Xuân Quyền đưa người xem đến với những xúc cảm cá nhân, riêng tư nhất của tình yêu đồng giới không ồn ào, không cần diễn giải. Đó là những “khoảng lặng thân mật”, là cái nhìn nhân văn và trân trọng dành cho tình yêu dưới mọi hình thức. Chiếc lông công trở thành biểu tượng cho tính nữ bên trong người đàn ông mềm mại, dịu dàng, thẩm mỹ nhưng không làm mất đi sức mạnh và bản sắc giới. Điều này cho thấy quan điểm nghệ thuật của Quyền về sự đa dạng và cân bằng giới tính trong tâm hồn, sự giao hòa giữa nam và nữ trong mỗi cá thể.

Với nội dung này chạm đến chủ đề bản sắc cá nhân, quyền được yêu và quyền được cảm, đồng thời làm nổi bật vai trò của nghệ thuật trong việc mở rộng định nghĩa về cái đẹp và tình yêu.

Hoạ sỹ Dương Xuân Quyền (áo xanh) giao lưu cùng khách triển lãm

Tranh cổ xưa; Ký ức vượt thời gian, vẻ đẹp không phô trương

Với “Tranh cổ xưa”, họa sĩ Dương Xuân Quyền không tìm cách tái hiện lịch sử theo cách khô cứng, mà lặng lẽ “nghe” những âm thanh từ quá khứ, rồi chắt lọc và chuyển hóa chúng trong ngôn ngữ tạo hình đương đại. Qua y phục, họa tiết, dáng ngồi, những ký ức không tên hiện lên, mơ hồ mà gần gũi. Chiếc lông công ở đây là biểu tượng cho vẻ đẹp vượt thời gian, được gột rửa khỏi mọi toan tính, một vẻ đẹp không cần lên tiếng, chỉ cần hiện diện.

Không phải là sự phục dựng lịch sử, mà là sự giao tiếp với ký ức. Họa sĩ đang lắng nghe quá khứ, rồi gợi lại nó bằng cảm xúc hiện tại qua dáng ngồi, trang phục, họa tiết mang tính truyền thống. Chiếc lông công mang tính biểu tượng cho vẻ đẹp vượt thời gian, được gột rửa khỏi mọi phô trương. Đó là vẻ đẹp tĩnh tại, sâu sắc, không cần lời giải thích, nhưng vẫn truyền cảm hứng như những giá trị văn hóa bền bỉ mà nghệ thuật có thể gìn giữ. Đây là sự kết hợp giữa ký ức văn hóa và cảm thức cá nhân, cho thấy cái đẹp không nhất thiết phải thuộc về hiện tại hay tương lai, mà có thể sống trong sự im lặng và trường tồn của quá khứ.

Một góc Triển lãm "Những chiếc lông công"

Cả ba thế giới, hiện tại của xã hội (Hoa dọc mùng), hiện tại cá nhân (Tình yêu đồng giới) và quá khứ văn hóa (Tranh cổ xưa) được kết nối bởi một biểu tượng xuyên suốt: chiếc lông công. Đây không chỉ là hình ảnh trang trí mà là một dòng chảy tư tưởng: tượng trưng cho vẻ đẹp mềm mại, sâu lắng, không cần phô trương, nhưng luôn hiện diện và để lại dư vị lâu dài, cũng giống như chính hành trình 15 năm làm nghệ thuật của họa sĩ Dương Xuân Quyền.

Với các chất liệu đa dạng như khắc gỗ, sơn dầu và lụa, họa sĩ Dương Xuân Quyền thể hiện cảm xúc nghệ thuật một cách linh hoạt và giàu chiều sâu, khẳng định phong cách cá nhân qua sự trung thực với nội tâm và khát vọng đi tìm cái đẹp không hoàn hảo mà chân thực và sống động. Ba thế giới ấy đã thể hiện rất rõ trong xã hội, hiện tại cảm xúc và ký ức văn hóa đều phản ánh những lớp lang trong hành trình sáng tạo của họa sĩ Dương Xuân Quyền. Và chính chiếc lông công, dù bé nhỏ, lại là sợi chỉ gắn kết, biểu trưng cho lý tưởng nghệ thuật mà anh theo đuổi: “Cái đẹp không cần hoàn hảo. Chỉ cần thật. Và có sức sống”.

Xem video tại đây

Nghĩa Thương | 14-07-2025, 11:59

vnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC